Gần đây, nhiều khách sạn ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,… được rao bán mạnh mẽ trong bối cảnh thị trường du lịch phục hồi chậm.

Theo Nhịp sống thị trường, thời gian gần đây, nhiều khách sạn tại Hà Nội có giá từ hàng chục tỷ đến hàng trăm tỷ đang được rao bán nhiều quanh khu vực phố cổ. Anh Nguyễn Trung – một môi giới tại khu vực nội thành Hà Nội cho biết, tháng nào cũng ghi nhận thêm vài khách sạn vào giỏ hàng rao bán.

Môi giới này cho biết, hồi cuối tháng 6 có một khách sạn ở phố Thuốc Bắc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) với quy mô 25 phòng được rao bán với giá 200 tỷ đồng, có thương lượng cho khách mua thiện chí. Giữa tháng 7, một khách sạn 3 sao trên phố Hàng Bạc với quy mô 30 phòng được rao bán với giá 168 tỷ đồng.

Được biết, các chủ khách sạn đi đến bước đường phải rao bán tài sản là do thị trường lưu trú rơi vào tình trạng khó khăn trong một thời gian dài. Đến nay, nhiều chủ khách sạn không thể tiếp tục chống đỡ được nữa. Đặc biệt, trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều tin rao bán, điều này cho thấy làn sóng rao bán khách sạn ngày càng mạnh mẽ và công khai.

Kinh doanh ảm đạm, thị trường khách sạn đối mặt với làn sóng rao bán mạnh mẽ

khach-san-1690449190.png
Một khách sạn ở Quận 1, TP.HCM rao bán 580 tỷ đồng

Tương tự, tại TP. Hồ Chí Minh, một khách sạn ở Quận 1 cũng mới đăng tải thông tin rao bán với giá 250 tỷ đồng. Cũng ở Quận 1, một khách sạn 3 sao với quy mô 13 tầng, 120 phòng được rao bán với giá 580 tỷ đồng.

Bên cạnh thông tin ngày càng có nhiều khách sạn vừa và nhỏ được rao bán rầm rộ thì thông tin khách sạn mang thương hiệu quốc tế sang tay cho chủ mới cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Cụ thể, Tập đoàn Jones Lang Lasalle (JLL) đã tư vấn về việc bán danh mục đầu tư khách sạn Ibis Saigon South và Capri by Fraser (Quận 7, TP. Hồ Chí Minh). Theo đó, giao dịch này đánh dấu thương vụ bán danh mục đầu tư khách sạn đầu tiên trong khu vực của năm 2023. Đây cũng là 2 khách sạn hiếm hoi xác nhận giao dịch trong bối cảnh thị trường khách sạn đang phải đối mặt với làn sóng rao bán mạnh mẽ.

Dự kiến thị trường khách sạn phục hồi hoàn toàn sau năm 2024

Theo báo cáo đánh giá về tình hình phân khúc khách sạn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm của Savills cho thấy, công suất cho thuê tại Hà Nội trong quý 2/2023 đạt 62%, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức 73% của quý 2 năm 2019. Giá thuê trung bình đạt 2,5 triệu đồng/phòng/đêm, giảm 6% theo quý nhưng ngược lại tăng 26% theo năm sau khi phục hồi giảm tốc.

khach-san-1-1690449190.jpg
Thị trường khách sạn dự kiến phục hồi hoàn toàn từ năm 2024

Tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, trong số 404 phòng tạm thời đóng cửa từ sau đại dịch đến nay, 45% số phòng đang được cải tạo và 55% nguồn cung còn lại chưa có thông tin về việc khi nào mở cửa trở lại. Trong quý 2, công suất khách sạn tại TP. Hồ Chí Minh đạt 60%, tương ứng giảm 8 điểm phần trăm theo quý. Tình hình hoạt động kém diễn ra ở hầu hết các phân khúc khách sạn do lượng khách quốc tế đến TP. Hồ Chí Minh giảm 13% theo quý. Bên cạnh đó, tỷ lệ khách lưu trú qua đêm tại thành phố này cũng chỉ đạt 19%, thấp hơn so với các điểm đến khác. Thị trường khách sạn hiện chỉ còn dựa vào việc đón khách công tác với lợi thế là điểm trung chuyển giữa các tỉnh, thành.

Ông Troy Griffiths – Phó Tổng Giám Đốc, Savills Việt Nam nhận định, sự phục hồi về số lượng khách quốc tế của Việt Nam chậm hơn so với các quốc gia trong khu vực. Trong đó, khách Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2023, dù vậy cũng chỉ bằng 22% của nửa đầu năm 2019.

Vị này cho rằng, hoạt động kinh doanh khách sạn cần nhờ vào sự phục hồi dần của khách châu Á và nhu cầu dịch vụ trong nước lớn cũng như chính sách thị thực mới, dự kiến thị trường sẽ phục hồi hoàn toàn từ năm 2024.

khach-san-2-1690449190.jpg
Ảnh minh họa

Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư có nên mua lại những khách sạn rao bán thời điểm này hay không, bà Uyên Nguyễn, trưởng bộ phận tư vấn, Savills Hotels châu Á – Thái Bình Dương lưu ý rằng, bên mua cần quan tâm tới khả năng vận hành kinh doanh khách sạn bởi đây là yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập trong tương lai cũng như khả năng sinh lời. Người mua cần biết các thông tin như đơn vị vận hành, thương hiệu của dự án, cấu trúc hợp tác cho thuê, các tiện ích cung cấp ra sao, đây đều là những yếu tố cơ bản cần phải tìm hiểu trước khi quyết định đầu tư.

Mặt khác, Nghị định 10/2023/ND-CP ban hành vào ngày 3/4/2023 đã đưa ra cơ sở pháp lý để giải quyết các vướng mắc hiện hữu về việc cấp quyền sử hữu đối với loại hình condotel, officetel, biệt thự nghỉ dưỡng và các tài sản khác được xây dựng trên đất thương mại dịch vụ sử dụng với mục đích lưu trú, du lịch. Cụ thể, các công trình lưu trú du lịch xây dựng trên đất thương lại, dịch vụ sẽ được cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện pháp luật về đất đai, xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho biết, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã trải qua giai đoạn trầm lắng. Việc thiếu khung pháp lý hiện là rào cản lớn nhất để tạo đà hồi phục cho phân khúc này. Do đó, Nghị định 10 sẽ là cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng có hướng dẫn về trình tự, thủ tục cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ.

Đây cũng được đánh giá là tiền đề để thị trường, gồm cả các chủ đầu tư và các nhà đầu tư hiểu rằng định hướng về pháp lý của sản phẩm trong thời gian tới đã có những bước chuyển biến. Từ đó, tạo đà phục hồi cho phân khúc này trên thị trường.